F Bút ký: Về thăm quê Tết Bính Thân (1) - GIÁO XỨ XUÂN SƠN blog

Yêu Thương - Chia Sẻ


TIÊU ĐIỂM

News Ticker

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Bút ký: Về thăm quê Tết Bính Thân (1)

Xuân Thọ
Bút ký này chỉ nêu những cảm nghĩ của tôi về những gì đã chứng kiến trong 3 tuần ở Việt Nam. Mọi nhân vật trong bài viết đều có thực 100%, tuy có vài người đã được đổi tên (Có thể nhiều người cũng đang đọc ở đây)
Xuân Thọ
Thế là tết vừa rồi tôi lại trở về Việt Nam. Tôi rất mừng mỗi khi được về thăm má tôi ở Sài Gòn và gia đình vợ ở Hà Nội. Chuyến về này đã được chuẩn bị từ lâu nên tôi sớm mua được vé Vietnam Airlines khá rẻ.
1-Ách tắc, không chỉ là vấn nạn của giao thông
Tuy đã đọc rất nhiều ca thán, chỉ trích về hãng hàng không này, và mặc dù tin chắc là trong nội bộ họ có tham nhũng, tôi vẫn thích bay Vietnam Airlines. Lý do đơn giản vì được bay một mạch non-stop từ Frankfurt về Sài Gòn, đươc bay từ Sài Gòn ra Hà Nội và từ Hà Nội về Frankfurt trở lại với giá vé phải chăng. Các chiêu đãi viên đôi khi chưa chuyên nghiệp lắm, nhưng cũng là những người Việt dễ mến. Thiện cảm này có thể được nhân lên, nếu tâm lý nhược tiểu dân tộc không đè nặng lên họ.
Trên chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, còn một hàng 3 ghế trống. Một gia đình có cháu bé và rất nhiều quần áo, bình sữa, đề nghị cô chiêu đãi viên cho phép người chồng bế con lên đó ngồi cho rộng. Cô chiêu đãi viên nói đã sắp xếp cho một hành khách khác rồi, để cô sẽ tính. Một lát sau, một bà tây được ưu tiên ngồi hàng ghế đó. Người chồng lại năn nỷ cô chiêu đãi viên. Sau khi trao đổi với bà tây, cô đồng ý để hai bố con lên ngồi hai ghế còn lại. Cháu bé đi máy bay, chưa biết tự cân bằng áp suất trong khoang tai nên khi máy bay cất cánh hay thay đổi độ cao, cháu đau đầu, khóc vật vã. Người được ưu ái là bà tây, do không chịu được tiếng khóc đành quay về chố cũ ngồi cạnh ông tây. Hai bố con lại được hưởng sự ưu tiên đáng phải có: chỗ nằm rộng rãi để cháu bé nghỉ sau cơn khóc mệt mỏi. Công bằng đã tự khôi phục.
Tuy nhiên, cần sòng phẳng nhìn nhận, so với các hệ thống giao thông công cộng khác của nhà nước (đường sắt, đường bộ, đường thủy, ) Vietnam Airlines có bộ mặt sáng sủa hơn cả và cũng đã tạo ra khả năng khiêm tốn trong cạnh tranh quốc tế. Số lượng khách nước ngoài càng ngày càng tăng cũng khẳng định nhận định trên của tôi. Trong chuyến từ Đức về Việt Nam trên chiếc Boeing Dreamliner 787 mới tinh, có nhiều khách quá cảnh đi Úc và Singapore qua đường SGN.
Sân bay Tân Sơn Nhất không có gì thay đổi so với lần về trước, sỹ quan biên phòng vẫn cần tới 2-3 phút cho một người, trong khi lượng khách ngày càng tăng
Sáng sớm ngày 26 tháng chạp, hàng triệu nguời lao động đã rời thành phố về quê nghỉ tết mà đường vẫn đông nghịt xe cộ. So với lần về cuối cùng năm 2013, giao thông Sài gòn càng ngày càng bị nghẽn tắc và thời gian từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà má tôi ở Quận 7 đã kéo dài gần gấp đôi. Ngẽn, vì xe cộ quá nhiều, nghẽn vì con người ta đua nhau chạy ra đường để kiếm sống, một người dân mỗi ngày phải lên xe máy chạy ra đường ít nhất 3-4 lần. Ngẽn tắc cũng vì thói bon chen, ăn thua nhau từng tý đã ngấm cả vào cách đi xe, ngẽn tắc vì sự bất chấp pháp luật của hầu hết mọi công dân. Cuối cùng và chủ yếu ngẽn tắc vì một nền hành chính bất lực và một hệ thống quản lý không sử dụng trí tuệ, thấp kém về văn hóa.
Tôi hay viết về giao thông ở Việt Nam vì nó thể hiện rõ nét nhất nếp sống văn minh của một dân tộc. Nếp sống này được xây dựng và hình thành bởi sự điều hành của một nhà nuớc. Phải nói rõ điều này để ai đó, khi bị tắc đường đừng than trách „dân mình ý thức kém !“, để các quan chức khỏi biện bạch: “dân mình có thói quen của nền sản xuất nhỏ“.
Được may mắn tiếp quản miền Nam sau ngày 30.4.1975, tôi vẫn khâm phục kiểu cách người miền Nam hồi đó giao thiệp với nhau và nhất là cách họ tham gia giao thông. Miền Nam trước năm 1975 chưa phát triển như bây giờ, nhưng chính quyền đã tìm cách đưa văn minh công nghiệp vào cuộc sống của người dân, đa số từ nông thôn chạy trốn chiến tranh đổ về thành thị. Ngày nay nếp sống đó đã biến mất bởi công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa đang được tiến hành bởi những tư tưởng coi thường văn minh, không chấp nhận các giá trị chung của nhân loại.

Cảnh kẹt xe tại Sài Gòn (nguồn Internet)
Tôi đã chứng kiến một lần tắc đường ở quận Gò Vấp, khi mà hàng chục ngàn xe máy, xe ô tô từ 4 phía của ngã tư cứ từng bước nhả khói, nhích từng phân, dồn về chố tắc. Dưới trời nắng 34-35 độ, hàng chục ngàn phân khối khí thải cứ tuôn một cách vô ích ra không gian ngột ngạt. Có thể coi đó là cảnh „Apocalipse Now thời bình“. Phía sau tôi khoảng 30 m là một chiếc xe cứu thương, tuy biết là vô phương, vẫn cứ rú còi, tưởng như muốn át đi tiếng gầm của hàng ngàn động cơ xe con khác. Không biết trong xe có bệnh nhân hay không, nhưng chắc chắn lái xe tuy biết được rằng, tiếng còi của anh ta chỉ góp phần làm tăng sự rối loạn, chứ không thể đảm bảo sự ưu tiên, vẫn cứ tiếp tục bóp còi vì vẫn nghĩ về quyền lực của nó.
Ở Hà Nội, trên đường từ bệnh viện Bach Mai về nhà vào buổi sáng, đúng giờ đi làm, tôi cũng chứng kiến một nghich cảnh khó quên. Đường Lê Duẩn, đoạn đi qua công viên Thống Nhất, bị tắc cả hai chiều (có lẽ ngày nào cũng vậy, ngoài cuối tuần). Trong khung cảnh đó, một cảnh sát giao thông đi xe mô-tô phân khối lớn, có đèn đỏ, từ phía sau tìm cách chen lên. Không biết có phải anh muốn đến ngã ba Trần Nhân Tông để điều hành giải tỏa hay không? Nhưng anh ta cũng chung số phận như mọi người. Trong hoàn cảnh đó, chẳng ai coi trọng cái còi to và ngọn đèn chớp đỏ, nhô lên trên cái mũ cảnh sát của anh ta nữa. Những đồng bào khôn ngoan nhất của tôi, và cũng có may mắn đi bên mép đường, đều tìm cách vọt lên vỉa hè công viên Thống Nhất để mong hơn được người khác vài chục mét. Thấy vậy anh cảnh sát cũng tìm cách tham gia vào hàng ngũ những kẻ phá lệ. Nhưng oái oăm thay, anh ta đang đi giữa đường, chứ không ở bên mép. Không cam chịu, anh tìm cách quay ngang xe để sang vệ đường: Lần này thì cái đèn đỏ chởp giật và còi hụ của xe chuyên dụng cảnh sát đã phát huy tác dụng, và anh ta cũng phóng lên vỉa hè, lách qua mọi chướng ngại vật do công nhân xây dựng để lại, để lao lên phía trước. Trong hoàn cảnh những kẻ phá lệ đông như kiến thì anh cũng không đi xa được. Vỉa hè cũng tắc!
Ở Việt Nam hiện nay, những người khôn hơn, hoặc có quyền lực hơn (như ví dụ của anh cảnh sát và anh lái xe cứu thương), dù có ưu thể hơn người được chút ít, cuối cùng cũng cùng chung số phận như người khác. Sẽ không ai đi được xa, nếu ai cũng chỉ tìm cách tự cứu mà không chịu chung tay gỡ những nút thắt đang trói chặt cả xã hội. Trong một thành phố ngập lụt thì xe Rolls&Roys có hơn gì xe đạp?
Ở Sài Gòn, tôi không có xe máy nên đi đâu cũng nhờ thằng cháu chở đi. Cháu tôi là kỹ sư cơ khí từ Quy Nhơn vào Sài Gòn kiếm việc làm. Má tôi để cháu ở với bà cho vui cửa vui nhà. Trong lúc chờ vận may, cậu ta vận dụng tay nghề cơ khí, tự thửa lấy một hệ thống làm kem, lắp ngay trong sân nhà, với hy vọng sẽ làm được kem để giao cho các điểm tiêu thụ nhỏ và vừa. Nhưng khởi nghiệp mà ít vốn liếng và kinh nghiệm tiếp thị thì vô cùng khó. Do vậy nên cháu có thời gian chở cậu đi thăm bè bạn họ hàng. Khi ra Hà Nội mượn được xe máy của người bạn, tôi tự đi xe máy để cơ động về thời gian
Đi xe, tôi nhận ra một điểm tích cực, đó là đã xuất hiện một tầng lớp người biết dừng đèn đỏ, biết chờ đèn xanh. Bên cạnh vô số người tiếp tục vi phạm giao thông, lác đác đã có người chờ đèn xanh tại một ngã tư vắng tanh, vào buổi tối. Ý thức công dân đang xuất hiện trong một thiểu số nhỏ.
Điểm tích cực thứ hai ai cũng thấy là hệ thống đường cao tốc được xây dựng quanh Hà Nội và Sài Gòn. Tuy các đường cao tốc này còn xa mới xứng với khái niệm „cao tốc“, nhưng chúng cũng góp phần làm giảm sức ép đô thị hóa, cơ giới hóa, mà dù muốn hay không, đang ngày càng gia tăng bởi quá trình hội nhập quốc tế của đất nuớc. Giảm, có nghĩa chỉ là tạm thời và cục bộ chứ không giải quyết dứt điểm được, cũng như đối với những bài toán cấp nuớc, thoát nuớc hay thải rác ở các đô thị vậy.
Lý do chính là mọi việc làmchắp vá này không nằm trong một giải pháp tổng thể về kinh tế xã hội nên các vấn nạn về giao thông, về cấp nuớc, thoát nuớc, về môi trường, vệ sinh thực phẩm, y tế, giáo dục v.v. vẫn ngày càng trầm trọng. Đau khổ hơn nũa là, cái giá để Việt Nam đạt được mức khiêm tốn như hiện nay có thể cao gấp nhiều lần ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Giá một cây số đường cao tốc ở ta đắt hơn bất cứ nơi nào, vậy mà xe ô tô chạy nhanh là bể lốp. Giá xây một cầu tiêu ở trường học vùng nghèo cao đến mức cả xã hội bức xúc, vậy mà các cháu nhỏ phải nhịn cả ngày để về nhà đi vệ sinh. Đầu tư của cha mẹ cho con cái đi học ở thành thị Việt Nam, nếu tính cả thời gian, cao hơn ở nhiều nuớc phát triển, vậy mà chất lượng học sinh ra trường vẫn thấp.
Nghịch lý của quá trình phát triển ở Việt Nam: Càng đổ nhiều tiền vào, càng ách tắc! Nguyên nhân nằm ở cái cổ chai tham nhũng của một nhà nước không minh bạch, của một hệ thống quyền lực không được kiểm soát.
(Còn tiếp)
Xuân Thọ
Cologne Tháng 3-2016
- See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20160317/ky-su-ve-tham-que-tet-binh-than-1-ach-tac-khong-phai-chi-la-van-nan-cua-giao-thong#sthash.fcMskaKK.dpuf
Bút ký: Về thăm quê Tết Bính Thân (1) Reviewed by IN LONG AN on 21:29:00 Rating: 5 Xuân Thọ Bút ký này chỉ nêu những cảm nghĩ của tôi về những gì đã chứng kiến trong 3 tuần ở Việt Nam. Mọi nhân vật trong bài viế...

Không có nhận xét nào: